Cơ Đốc giáo Ăn_năn

Đứa con hoang đàng trở về, một thí dụ sinh động về lòng hối cải.

Giáo lý hối cải giữ vị trí nổi bật trong Kinh Thánh. Có thể nhìn thấy điều này trong những miêu tả về sự ăn năn trong Cựu Ước. Trong Tân Ước, Giăng Báp-tít và Chúa Giê-xu đều khởi đầu chức vụ với thông điệp kêu gọi hối cải.[12][13] Sứ đồ Peter (Phê-rô hoặc Phi-e-rơ) đã nhấn mạnh đến sự hối cải trong bài thuyết giáo của ông trong ngày Lễ Ngũ Tuần đầu tiên. Trong bài giảng tại Cửa Đẹp của Đền thờ, Peter kêu gọi "ăn năn và quay trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi".

Khi Chúa Giê-xu sai phái các môn đồ đi ra để công bố phúc âm, ngài yêu cầu họ phải rao giảng sự hối cải.[14] Thông điệp kêu gọi hối cải cũng được tìm thấy trong Tân Ước qua lời giảng của Peter,[15] và của Phao-lô.[16] Thiên Chúa muốn mọi người hối cải.[17][18] Thật vậy, nếu không chịu lắng nghe lời kêu gọi hối cải từ Thiên Chúa, con người chắc chắn bị hư mất đời đời.[19]

Khi rao giảng phúc âm cho đồng bào mình, Peter nhiều lần nhắc đến sự ăn năn, được ký thuật trong phần đầu của sách Công vụ các Sứ đồ, biểu thị nhu cầu khẩn thiết của lòng hối cải đối với bất kỳ ai muốn được dự phần vào sự cứu chuộc của Chúa Giê-xu qua cái chết của ngài trên thập tự giá. Phao-lô nhấn mạnh đến sự thay đổi triệt để xảy ra trong lòng những người "quay về với Thiên Chúa chân thật và hằng sống". Phao-lô đã quở trách nặng nề một tân tín hữu (Simon thầy phù thủy) khi cảnh cáo rằng người này có thể bị rơi vào sự hủy diệt đời đời nếu không chịu hối cải.

Isaac xứ Syria đã nói, "Cuộc đời này được ban cho bạn để bạn ăn năn. Chớ phí nó cho những mục đích phù du."